'Lũ miền Trung có nguyên nhân do thủy điện'
Thiệt hại nặng nề ở miền Trung một mặt do mưa lớn, một mặt do các công trình thủy điện, giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, chậm thoát ra biển", ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên bí thư Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm.
> Cận cảnh cuộc sống ở rốn lũ
- Cơ sở nào để ông nhận xét rằng có lỗi của công trình thủy điện, giao thông trong đợt lũ lịch sử tại Bắc Trung Bộ?
- Sau khi hình thành đường Hồ Chí Minh và một số tuyến đường dọc theo khu vực miền núi của Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, việc thoát nước từ trên rừng xuống mất tính tự nhiên. Hiện, quốc lộ 1 nằm giữa vùng giữa đồng bằng và biển được nâng cao, một số tuyến sông làm đê rất cao. Do đó, nước trên đại ngàn chảy xuống bị chặn và không đủ khẩu độ cho nước chảy ra biển.
Trong quá trình làm hồ đập thủy điện, chúng ta không có quy hoạch từ trước nên thấy chỗ nào có điều kiện là địa phương giao chủ đầu tư. Khi làm thủy điện, người ta lại chặt cây, mở đường rộng cả trăm mét... Có những nơi, tỉnh cho diện tích khoảng 200 ha gồm cả đường lẫn khu vực thi công nhưng doanh nghiệp chặt lên đến 300 ha. Trong trường hợp này, vùng đó sẽ mất đi các cây cổ thụ, cây lớn - điều kiện để bảo vệ khu rừng đó khỏi nước lũ.
- Theo như ông nói, có thể hiểu tuyến đường Hồ Chí Minh đang như con đê ngăn nước từ đại ngàn chảy ra biển?
- Trong trận lũ năm 2002, khi đang làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, tôi chứng kiến nhiều đoạn ngập là do đường Hồ Chí Minh. Khi đó, cơ sở hạ tầng của huyện Hương Sơn gần như bị xóa hết. Trường học, trạm y tế, nhà dân... bị thiệt hại lớn. Tôi đã đề nghị Bộ Giao thông và Chính phủ cho mở khẩu độ một số cống nhưng một số nơi mở rồi, lũ lụt sau đó vẫn tràn và xé luôn cống. Điều này chứng tỏ do quy hoạch giao thông.
- Trong kỳ họp trước, một số ý kiến cũng cho rằng lũ ở miền Trung là do thủy điện nhưng Chính phủ đã có quan điểm phản bác. Là người nhiều năm làm lãnh đạo Hà Tĩnh, ông nói gì?
- Tôi không phải là người chuyên về thủy điện và giao thông nhưng là người mắt thấy tai nghe. Khi nước không chảy được theo quy luật tự nhiên, tôi nghĩ rằng thủy điện là lý do.
Đập hồ Kẻ Gỗ có dung tích 320 triệu m3 nước, làm từ năm 1976 nhưng do nằm trên độ cao 32 mét so với mực nước biển nên nếu bị vỡ, cả thành phố Hà Tĩnh sẽ ngập trong biển nước... Nhà nước đã phải gia cố bằng việc làm thân đập tràn, làm thêm cánh cửa xả lũ. Vừa rồi, khi xả nước nhiều ngày liền, thành phố Hà Tĩnh chìm trong nước.
Đập Hố Hô nằm trên đất của Quảng Bình và huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Khi mưa lớn, nước tràn đập, cây ở trên ngàn đổ xuống cũng chặn luôn bờ đập nên bộ đội biên phòng vừa phải lấy kích mở cống vừa phải lấy bớt cây nằm trên mặt hồ. Ở công trình thủy điện này, lúc mất điện, cánh cổng xả lũ không mở nổi. Đó là có yếu tố về con người trong việc quy hoạch.
- Nhiều công trình thủy điện được xây dựng có sự đồng thuận của địa phương. Vậy trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương ở đâu khi xảy ra lũ lụt?
- Cá nhân tôi cũng có trách nhiệm vì lúc đó tôi đang là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Hồi đó, tỉnh còn nghèo, người ta vào đầu tư để có nhà máy phát điện và có hồ chứa nước để có nước tưới, nước sinh hoạt. Thế nên ai cũng muốn làm. Bây giờ, cần phải rút kinh nghiệm trong việc quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, phải nghiên cứu cái gì nên làm và cái gì không nên làm.
Đôi vợ chồng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đưa con đi lánh nạn.
Ảnh: Ngân Giang.
- Theo ông, giải pháp nào để hạn chế thiệt hại bão lũ do công trình thủy điện, giao thông?
- Thiên tai vừa qua một mặt do mưa lớn, một mặt do việc làm thủy lợi, thủy điện, giao thông không lường hết được. Chính phủ cần có đợt tổng kiểm tra, ra soát lại quy hoạch hồ thủy điện và Quốc hội sẽ phải giám sát. Trong đó, phải xem xét lại giữa lợi ích của hồ đập khi có nguồn điện với việc an toàn cho người dân. Thứ hai, cần thiết phải mở khẩu độ của tuyến đường Hồ Chí Minh đi dọc theo triền núi từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và dọc theo các tỉnh liên quan, để làm cho dòng chảy được tự nhiên.
Những dự án như đập Hố Hô, thủy điện Hương Sơn nếu bị lở thì thiệt hại không thể lường trước được. Theo tôi, có những việc đã làm dở hoặc có quyết định làm rồi nhưng cần thiết thì phải dừng, không thể làm bằng mọi giá. Như đập Hố Hô, vừa rồi mà lở thì hàng chục xã của Hương Khê và một phần của Quảng Bình sẽ trôi hết. Nhưng may mắn là đã được mà bộ đội biên phòng ra ứng cứu kịp thời.
the thao